Tính Khí và Mối Liên Quan Với Trầm Cảm

 

Tính Khí và Mối Liên Quan Với Trầm Cảm

Các nhà tâm lý học cho rằng mỗi người sinh ra với một loại tính khí (temperament) bẩm sinh, phụ thuộc vào dạng hoạt động của hệ thần kinh. Tính khí ảnh hưởng đến xu hướng hành vi, cách phản ứng của một người đối với môi trường xung quanh và những thay đổi xảy ra trong môi trường xung quanh. Dựa vào 4 dạng hoạt động của hệ thần kinh, một người có thể thuộc một trong 4 loại tính khí như sau:

  • Linh hoạt
  • Sôi nổi
  • Điềm tĩnh
  • Ưu tư

Các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa tính khí của một người và khả năng bị trầm cảm của người đó so với những người có tính khí khác.

Biết được tính khí của mình có thể giúp bạn có những cách hành xử, sự lựa chọn phù hợp nhằm giảm thiểu khả năng bị trầm cảm.

 

Tính Khí và Mối Liên Quan Với Trầm Cảm

 

 

TÍNH KHÍ CHỦ ĐẠO CỦA BẠN LÀ GÌ?

Các nghiên cứu cho thấy tính khí chủ đạo của một người có thể không thay đổi trong suốt cả cuộc đời, tuy nhiên cách hành xử liên quan đến tính khí đó có thể thay đổi theo thời gian, theo những hoàn cảnh và biến cố mà một người đó gặp phải trong cuộc sống. Những mục tiêu, niềm tin mạnh mẽ, ý chí và sự rèn luyện của một người cũng có thể thay đổi cách hành xử của người đó. Ví dụ một người có tính khí “người sôi nổi” là một người rất nóng tính khi còn trẻ. Tuy nhiên, đến tuổi trung niên người đó trở nên điềm đạm hơn, bình tĩnh hơn trong cách xử lý những mâu thuẫn, xung đột với người khác trong cuộc sống.

Tùy theo xu hướng hoạt động (hướng ngoại hay sống nội tâm) và mức độ phản ứng trước những thay đổi của môi trường xung quanh (điềm tĩnh hay dễ xúc động) mà xu hướng hành vi chủ đạo của những người thuộc một nhóm tính khí có thể khác nhau.

Trong hình minh họa ở trên, 2 người đều thuộc về nhóm tính khí “sôi nỗi”, người thứ nhất (1) là người rất hướng ngoại, thích giao tiếp với nhiều người nhưng ít điềm tĩnh hơn người thứ hai (2) là người thích giao tiếp với một nhóm bạn tương đối không đông và dễ giữ bình tĩnh trước những thay đổi đột ngột trong cuộc sống.

​Có nhiều bài kiểm tra, từ đơn giản đến phức tạp, để xác định dạng tính khí chủ đạo của một người. Tuy nhiên, có một bài kiểm tra rất đơn giản có thể giúp bạn xác định loại tính khí chủ đạo của mình. Hãy tưởng tượng bạn đội cái nón (mũ) đẹp nhất, vừa mới mua của mình ra công viên chơi. Bạn ngồi xuống một cái ghế trống và đặt cái nón ở bên cạnh mình. Bỗng nhiên có một người đến cái ghế bạn đang ngồi và ngồi lên cái nón của bạn! Bạn sẽ phản ứng thế nào? Hình vẽ nào dưới đây phản ánh trung thực nhất cảm xúc và cách bạn sẽ phản ứng?

Nếu bạn chọn hình A thì bạn thuộc tuýp người sôi nổi. Nếu bạn chọn hình B thì bạn thuộc tuýp người điềm tĩnh. Nếu bạn chọn hình C thì bạn thuộc tuýp người ưu tư. Nếu bạn chọn hình D thì bạn thuộc tuýp người linh hoạt.

​Nếu bạn hiểu được tiếng Anh thì có thể tham khảo các đặc điểm trong tính cách của từng loại tính khí trong hình dưới đây.

 

MỐI LIÊN QUAN GIỮA TÍNH KHÍ VÀ TRẦM CẢM

Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tính khí và khả năng rơi vào tình trạng trầm cảm của một người. Khi phải đối phó với cùng hoàn cảnh, người có tính khí này có thể dễ bị trầm cảm hơn người có tính khí khác.

​Những người có tính khí “ưu tư” (melancholic) có khuynh hướng dễ bị trầm cảm hơn so với người có tính khí khác. Người ưu tư khổ vì trạng thái trầm cảm thường xảy ra do chính họ gây nên cho mình vì đánh giá và phản ứng thái quá về những điều xảy ra trong cuộc sống xung quanh. Người ưu tư thường nhìn thấy vấn đề trong những chuyện mà thực sự không có vấn đề (ít nhất là đa số người khác không thấy vấn đề) và họ thường rất nhạy cảm trước những chuyện không tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống. Họ cũng lo lắng về những điều mà có thể không bao giờ sẽ xảy đến với họ, thậm chí tưởng tượng ra những “bi kịch” có thể xảy ra đối với họ. Một vài người có tính khí “ưu tư” là người rất dễ xúc động và họ nhớ rất lâu những chuyện buồn, còn những chuyện vui vẻ, tích cực thì họ ít nhớ đến hơn.

​Người có tính khí “linh hoạt” (choleric) hiếm khi rơi vào trạng thái trầm cảm. Thường thì họ chỉ bị trầm cảm khi gặp phải những mất mát lớn (người thân yêu qua đời, mất tài sản lớn, …) hoặc bị ai đó làm tổn thương nặng nề về tinh thần và/hoặc tình cảm. Khi bị trầm cảm, người linh hoạt thường không giấu trạng thái trầm cảm của mình. Điều giúp người linh hoạt thoát ra khỏi trạng thái trầm cảm là những công việc mới, thú vị và đáng làm. Công việc thú vị sẽ cuốn hút người linh hoạt và sẽ giúp họ vượt qua trạng thái trầm cảm.

​Người sôi nổi (sanguine) là người ưa hoạt động và nhiều năng lượng. Họ không phải là người dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tuy nhiên, đôi khi người sôi nổi thấy mệt mỏi về tinh thần vì cố làm nhiều việc cùng một lúc và muốn phù hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục thì người sôi nổi có thể bị trầm cảm. Người sôi nổi dễ bị trầm cảm và thay đổi tâm trạng theo mùa vì họ bị ảnh hưởng nhiều bởi các yều tố bên ngoài như thời tiết, tâm trạng của những người xung quanh, thức ăn…

​Người điềm tĩnh (phlegmatic) là người thích phong cách sống chậm rãi hoặc vừa phải. Họ thường không thích thể hiện mình và bộc lộ cảm xúc. Họ có thể chỉ giao tiếp với ít người và các nhu cầu về tình cảm, cảm xúc của họ có thể được thỏa mãn trong nhịp sống êm đềm, từ từ của họ. Người điềm tĩnh hạnh phúc cho đến khi có ai đó đến và than phiền là “Bạn bị trầm cảm nặng rồi đó!”, “Bạn phải thay đổi! Không thể tiếp tục sống như thế này được!” hay phê phán lối sống của họ theo những cách khác. Lúc đó người điềm tĩnh có thể bắt đầu suy nghĩ “Hay là mình bị trầm cảm thật rồi?” Sau đó có thể tìm lý do có vẻ chính đáng để “khẳng định” rằng mình bị trầm cảm thay vì tìm cách giảm bớt sự giao tiếp với người gây xáo trộn cuộc sống của họ.

LÀM SAO GIẢM THIỂU KHẢ NĂNG BỊ TRẦM CẢM?

Biết được tính khí chủ đạo của mình và mối liên hệ giữa tính khí và trầm cảm, bạn có thể làm một vài điều để giảm thiểu khả năng rơi vào trạng thái trầm cảm.

Người ưu tư: Hạn chế đi đến những nơi có thể để lại cho bạn những ấn tượng xấu, những cảm xúc tiêu cực và những lo lắng thái quá. Ví dụ bạn cảm thấy bất an, buồn bã sau mỗi lần đi đến thăm ai đó ở bệnh viện vì bạn thấy quá nhiều người ốm đau bệnh tật thì nên hạn chế đi đến đó. Có nhiều cách khác để thể hiện sự quan tâm đối với người thân, bạn bè đang nằm viện mà bạn có thể làm.Người nào hiểu bạn thì sẽ không trách tại sao bạn không đích thân vào bệnh viện thăm họ.

​Còn nếu bạn nhận thấy mình thường rơi vào trạng thái buồn nản sau khi đi dự đám tang hoặc mỗi đám tang đều gợi bạn nhớ đến cái chết của một người nào đó đã khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm thì không nên đến dự đám tang. Bạn có thể giải thích lý do cho một người hiểu bạn trong gia đình có tang. Những người quý bạn sẽ hiểu điều này và không trách cứ bạn.

​Nếu bạn dễ bị ám ảnh bởi cảnh tai nạn thì tốt nhất không nên xem, dù cho là trên tivi/máy tính hay là một tai nạn mà bạn tình cờ đi ngang qua trên đường.

​Hãy cố gắng làm bạn với những người có tinh thần tích cực – có thể bạn sẽ “lây” được phần lạc quan nào đó của họ. Thay vì lo nghĩ về những bệnh tật, bi kịch có thể xảy ra với mình, người ưu tư nên nghĩ về cách làm thế nào để tránh những điều đó trong khả năng của mình. Ví dụ thay vì lo nghĩ mình sẽ bị bệnh này bệnh nọ thì hãy suy nghĩ làm sao để cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục, nghỉ ngơi để tăng cường sức khỏe và phòng bệnh.

​Có hai câu châm ngôn rất hay được viết ra từ thời xưa:

“Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay, Tinh thần suy sụp làm sức hao mòn”

​“Tinh thần có thể nâng đỡ một người khi bệnh, Nhưng tinh thần suy sụp thì ai chịu nổi?”

​Như hai câu châm ngôn này cho thấy, tinh thần tích cực và “tấm lòng vui mừng” (hay niềm vui xuất phát từ bên trong, không phụ thuộc vào ngoại cảnh) có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho việc chữa bệnh. Do đó bạn đừng xem thường việc suy nghĩ về những điều tích cực, những điều có thể giúp bạn lên tinh thần.

​Có thể bạn không thay đổi được hoàn cảnh hiện tại, nhưng bạn có thể thay đổi được thái độ của mình đối với hoàn cảnh! Hãy củng cố tinh thần của bạn bằng cách chọn suy nghĩ về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.

​Mỗi ngày, bạn nên cố gắng nhìn thấy một vài điểm tốt trong cuộc sống. Bằng cách như vậy, bạn sẽ có lý do để vui vẻ dù ít hoặc nhiều. Quả thực, dù cuộc sống có tồi tệ đến đâu thì việc chúng ta còn sống, còn suy nghĩ được cũng là một điều tốt rồi. Hãy cố gắng chọn những điều tích cực hơn để nghĩ đến. Bằng cách như vậy bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị trầm cảm.

Người linh hoạt: Bạn là người hiếm khi rơi vào trạng thái trầm cảm vì bạn biết cách xử lý vấn đề và làm chủ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những sự mất mát lớn lao và/hoặc những tổn thương nặng nề về tình cảm có thể đẩy bạn vào trạng thái trầm cảm. Một số người rơi vào trạng thái trầm cảm do mất người thân yêu đã tìm được sự an ủi khi biết được hy vọng về sự sống lại của người chết trong thế giới mới, nơi họ có thể đoàn tụ với người thân yêu để vui hưởng một đời sống vui vẻ, bình an, không còn sợ cái chết chia lìa họ nữa.

​Nếu bạn bị trầm cảm vì đã bị ai đó phản bội, bị ai đó làm tổn thương xin hãy nhớ rằng người nào phản bội bạn thì không xứng đáng với bạn. Thậm chí người đó còn có thể vui khi nhìn thấy bạn đau khổ, thất bại trong cuộc sống. Hãy vươn lên, hãy vượt qua trạng thái trầm cảm bằng cách làm các công việc thú vị. Hãy dành thời gian cho những người thực sự yêu thương bạn, hãy làm điều gì đó tốt lành cho những người xứng đáng. Như vậy, bạn sẽ dần dần thoát khỏi trầm cảm.

Người sôi nổi: Đừng quá ôm đồm. Đừng cố gắng bằng mọi giá chứng tỏ bạn phải hoàn hảo mọi lúc, mọi nơi, với tất cả mọi người. Không ai là người hoàn hảo cả. Bạn cũng không phải là ngoại lệ. Khi biết bạn không thể làm hết mọi việc mà bạn nghĩ bạn phải làm thì nên chọn ra một vài công việc thực sự quan trọng và chỉ tập trung vào những việc đó. Hãy biết vui về những thành công nho nhỏ trong cuộc sống.

​Hãy để ý bạn dễ bị chán nản hơn vào thời gian nào trong năm. Hãy chăm sóc sức khỏe tốt trước khi thời gian đó bắt đầu. Và khi thời gian đó đến thì cũng đừng quên phải ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi và ngủ đủ.

​Hãy để ý khi bạn buồn nản thì tiếp xúc với ai thường làm bạn buồn hơn. Hãy tránh tiếp xúc những người đó khi bạn bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm.

Người điềm tĩnh: Hãy tránh / hạn chế tiếp xúc với những người châm chọc, khích bác lối sống của bạn. Người nào thực sự muốn giúp bạn cải thiện cuộc sống thì sẽ không xem thường bạn. Họ có thể nhìn thấy điểm yếu, nhưng họ cũng nhìn thấy điểm mạnh của bạn và họ sẽ giúp bạn, gợi ý cho bạn để bạn có thể phát huy điểm mạnh của mình. Hãy có vài người bạn tốt như thế. Họ sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng về bạn và giúp bạn vượt quan những giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

KẾT LUẬN

Căng thẳng, lo âu, bất an, kiệt sức về tinh thần, trầm cảm là một trong những đặc điểm của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là khi bạn sống ở các thành phố lớn. Thoát khỏi trầm cảm đôi khi không dễ, nhưng cũng không phải là điều không thể làm được. Nhiều người bị trầm cảm trầm trọng nay đã vượt qua. Bạn cũng có thể làm như thế!

​Biết tính khí chủ đạo của mình và sống một cách phù hợp có thể giúp bạn một phần nhất định để thoát khỏi trầm cảm. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý chỉ là một trong 3 yếu tố dẫn tới trầm cảm. Do đó dù cho tính khí của bạn là gì đi nữa thì bạn cần phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục, nghỉ ngơi và ngủ đủ để có sức khỏe thể chất tốt. Khi làm điều này, bạn giúp cơ thể mình tạo ra chất serotonin – là chất giúp bạn cảm thấy hạnh phúc.

​*****

MÁCH​ BẠN

1) Nếu mắc bệnh trầm cảm, một đề nghị thực tế giúp bạn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc là tạo “Hộp sơ cứu cho cảm xúc. “Hộp sơ cứu” này có thể bao gồm:

  • Thông tin liên lạc của người mà bạn có thể gọi để nói chuyện khi thấy buồn nản
  • Những bài hát yêu thích giúp bạn lạc quan và lên tinh thần
  • Những câu nói hoặc bài viết khích lệ
  • Vật lưu niệm nhắc bạn nhớ đến những người yêu thương mình
  • Một cuốn nhật ký lưu lại những suy nghĩ tích cực cũng như chuyện vui mà bạn đã trải qua​

Hãy để hộp này nơi dễ thấy, dễ lấy ra và sử dụng nó mỗi khi bạn thấy buồn nản.

2) Nhiều người trầm cảm hoặc ở trong trạng thái tiền trầm cảm có nồng độ vitamin D (vitamin D3) trong máu thấp. Do đó nếu có triệu chứng hoặc bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm thì nên đi kiểm tra nồng độ vitamin D trong máu. Nếu thấp thì bạn có thể uống bổ sung vitamin D và cố gắng ở ngoài trời nhiều hơn để cơ thể có thể tổng hợp được vitamin D dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

 

 

Bài viết liên quan

PHƯƠNG PHÁP CHỮA ĐỤC THỂ TINH THỂ
3361

PHƯƠNG PHÁP CHỮA ĐỤC THỂ TINH THỂ

Phương pháp chữa mắt bị đục thủy tinh thể bằng nước dừa tươi: an toàn - rẻ tiền - hiệu quả.

Xem thêm
0